THANH LONG DẤN BƯỚC THỊ TRƯỜNG KHÓ TÍNH: CHIẾU XẠ VÀO MỸ, GIA NHIỆT VÀO NHẬT, HÀN
Thanh long xuất khẩu
Khi Nhật Bản tháo bỏ lệnh cấm nhập thanh long Việt Nam bằng biện pháp xử lý hơi nước nóng (10/2009) thì sau đó không lâu, Công ty YASAKA (Nhật) đã đầu tư một nhà máy xử lý hơi nước nóng có quy mô thương mại đầu tiên ở tỉnh Bình Dương. Tiếp đó, công ty Good Life ở TP.HCM cũng khởi công xây dựng nhà máy hơi nước nóng thứ 2 tại Việt Nam. Đến tháng 6 năm nay mới có 265 tấn thanh long đi Nhật an toàn và khoảng 50 - 60 tấn vào Hàn Quốc mang tính thăm dò. Sản lượng trên đều do các công ty lớn mua thanh long từ các cơ sở, doanh nghiệp ở Bình Thuận rồi xử lý nhiệt và xuất đi. Và bây giờ, khi nhà máy gia nhiệt Hồng Ân xuất hiện trên địa bàn thì mọi tính toán cho xuất hàng đi của các doanh nghiệp có thể đã dễ dàng hơn. Thực tế, không phải vì lo xa mà Tiến sĩ Nguyễn Hữu Đạt, Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Cục Bảo vệ Thực vật) khuyến cáo cần tăng cường bón phân hữu cơ hợp lý để cho trái ngọt cùng thực hiện các bước nhằm củng cố 2 thị trường này. Trước hết, phải thu hái vào sáng sớm và nhẹ tay, không chất nhiều lớp quả vào cùng sọt và không phơi quả ngoài nắng. Thứ hai, phải vận chuyển thanh long lúc trời mát, tránh đường sốc. Thứ 3, trong quá trình vận chuyển quả từ vườn tới cơ sở sơ chế, rồi đến nhà máy xử lý nước nóng, đến đóng gói và bảo quản lạnh, phải chuyển biến nhiệt từ từ. Vì vậy, chưa bàn đến chi phí xử lý nhiệt cho thanh long…, nội chuyện cự ly vận chuyển gần, bảo đảm bảo quản trái vào trước và sau xử lý đã là thành công một nửa trong xuất khẩu.
Thị trường Hoa Kỳ đang mở rộng
Mặt hàng thanh long Việt Nam đã được Hoa kỳ khảo sát đánh giá từ năm 2005 cùng với cấp 106 mã số đơn vị sản xuất trên diện tích 1.200 ha vườn trồng và 10 mã số nhà đóng gói, trong đó tập trung ở địa bàn Bình Thuận. Song song đó, hình thành 2 nhà máy chiếu xạ là nhà máy chiếu xạ Sơn Sơn ở TP.HCM và nhà máy chiếu xạ thứ 2 ở An Phú - Bình Dương.
Nhờ vậy, từ cuối 2008 sang 2009, thanh long sang thị trường Mỹ dè dặt ban đầu với 100 tấn/năm. Sang năm 2010 đã lên 856 tấn và 6 tháng năm nay đạt 800 tấn với chiều hướng người dân Mỹ đã quan tâm đến loại trái cây này. Thông tin ban đầu, thanh long Việt Nam mới tiếp cận các đối tượng là người Mỹ gốc châu Á. Vì vậy, cần có chương trình quảng bá trái thanh long tại Hoa Kỳ để trái cây này có thể xâm nhập vào văn hóa ẩm thực của các nhóm cộng đồng ở đây.
Mới trung tuần tháng 10/2011, Trung tâm Xúc tiến Thương mại Bình Thuận vừa trình Hội đồng thẩm định chương trình xúc tiến thương mại quốc gia về đề án quảng bá thanh long vào thị trường Hoa Kỳ. Nếu không có gì trở ngại, vào quý 4/2012, đoàn giao thương mở rộng thị trường xuất khẩu Hoa Kỳ sẽ lên đường. Được gặp gỡ 30 doanh nghiệp nhập khẩu lớn tại bang Califonia đã có địa chỉ, điện thoại liên lạc, các doanh nghiệp xuất khẩu tại tỉnh sẽ đẩy sản lượng thanh long xuất vào thị trường này tăng 20% theo từng năm. Sở Công thương tính toán, cứ 5 USD/kg, mức giá bình quân thì kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này nằm từ 12,5 triệu USD trở lên, tính từ năm nay.Trong bối cảnh hi vọng trên, thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hiện có nhiều nhà đầu tư đang có ý muốn xây dựng các nhà máy xử lý nhiệt, chiếu xạ tại địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, do vốn đầu tư các nhà máy này rất cao nên các doanh nghiệp đang loay hoay tìm nguồn.
Dù vậy, đây là tín hiệu vui cho thị trường trái thanh long. Nếu có thêm nhà máy chiếu xạ thanh long tại địa bàn tỉnh thì sẽ góp phần xuất hàng đi Hoa Kỳ thành công, vì thanh long cho chiếu xạ cũng yêu cầu công nghệ thu hoạch, vận chuyển, giữ nhiệt độ như xử lý nhiệt. Một khi 2 thị trường khó tính này chấp thuận thì mặc nhiên thanh long cũng dễ dàng vào các thị trường khó tính và có giá cao khác như Tân Tây Lan, Úc, Chilê…
Viết một bình luận